MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 10/2024
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 10/2024
Trong tháng 10/2024 03 Nghị định, 03 Quyết định, 33 Thông tư chính thức có hiệu lực, sau đây là một số văn bản, chính sách quan trọng liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và liên quan mật thiết đến đời sống của Nhân dân:
1. Nghị định 108/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác
Thủ tục giao nhà có quyết định chuyển giao về cho tổ chức có chức năng quản lý kinh doanh
- Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày tiếp nhận nhà, đất (ngày ký Biên bản bản giao, tiếp nhận) theo Quyết định chuyển giao của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận nhà chuyển giao theo quy định của pháp luật chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan lập phương án xử lý nhà, đất, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp xử lý theo phương án giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh thì hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm:
+ Tờ trình của cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận tài sản chuyển giao: 01 bản chính;
+ Văn bản đề nghị tiếp nhận nhà, đất để quản lý, khai thác của tổ chức quản lý, kinh doanh nhà và ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý cấp trên (nếu có): 01 bản chính;
+ Văn bản ý kiến của Sở Tài chính: 01 bản chính;
+ Danh mục nhà đề nghị giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà để quản lý, khai thác chia theo từng mục đích quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định 108/2024/NĐ-CP do Sở Tài chính lập: 01 bản chính;
+ Quyết định chuyển giao nhà, đất: 01 bản sao; Biên bản bản giao, tiếp nhận nhà, đất: 01 bản sao;
+ Các hồ sơ pháp lý về nhà, đất (nếu có): 01 bản sao.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định giao nhà cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà để quản lý, khai thác.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc giao nhà cho tổ chức quản lý có hiệu lực thi hành, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận nhà chuyển giao có trách nhiệm bàn giao nhà cho tổ chức quản lý, kinh doanh.
Việc bàn giao, tiếp nhận nhà được lập thành Biên bản theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 108/2024/NĐ-CP .
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/10/2024
2. Nghị định 114/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 151/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
Quy định về mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công là vật tiêu hao phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước
Theo đó, bổ sung Điều 3a quy định về mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công là vật tiêu hao phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước như sau:
- Vật tiêu hao là nguyên nhiên liệu, thuốc, sinh phẩm, vật tư, vật liệu, văn phòng phẩm và các vật khác khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu.
- Thẩm quyền quyết định mua sắm vật tiêu hao:
+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quy định thẩm quyền quyết định mua vật tiêu hao phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.
+ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định mua sắm vật tiêu hao phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
- Căn cứ nhu cầu sử dụng, phạm vi dự toán ngân sách được giao và nguồn kinh phí được phép sử dụng, cơ quan nhà nước tổ chức thực hiện mua sắm vật tiêu hao theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
- Đối với vật tiêu hao bị mất đi trong quá trình sử dụng, cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng vật tiêu hao không phải thực hiện việc xử lý.
Đối với vật tiêu hao không bị mất đi trong quá trình sử dụng, cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng vật tiêu hao thực hiện hủy bỏ sau khi hết hạn sử dụng hoặc hết giá trị sử dụng.
Quy định về mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công là vật tiêu hao phục vụ hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập
Theo đó, việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công là vật tiêu hao phục vụ hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo quy định tại Điều 3a Nghị định 151/2017/NĐ-CP (được bổ sung tại Nghị định 114/2024/NĐ-CP ).
Trong đó, thẩm quyền quyết định mua sắm vật tiêu hao được quy định như sau:
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quy định thẩm quyền quyết định mua sắm vật tiêu hao phục vụ hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 37a Nghị định 151/2017/NĐ-CP (được bổ sung tại Nghị định 114/2024/NĐ-CP ).
- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định mua sắm vật tiêu hao phục vụ hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của địa phương, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 37a Nghị định 151/2017/NĐ-CP (được bổ sung tại Nghị định 114/2024/NĐ-CP ).
- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên quyết định mua sắm vật tiêu hao phục vụ hoạt động của đơn vị.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 30/10/2024.
3. Nghị định 110/2024/NĐ-CP về Công tác xã hội
Theo đó, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội
Tại Điều 41 Nghị định 110/2024/NĐ-CP quy định cấp giấy chứng nhận hành nghề công tác xã hội theo thủ tục sau đây:
- Người đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc trực tuyến theo quy định tại Điều 40 Nghị định 110/2024/NĐ-CP cho cơ quan có thẩm quyền. Bao gồm những giấy tờ sau đây:
+ Tờ khai đăng ký hành nghề công tác xã hội theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 110/2024/NĐ-CP .
+ Giấy chứng nhận đạt kết quả thực hành nghề công tác xã hội.
+ Bản sao văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận chuyên môn về chuyên ngành công tác xã hội, xã hội học, tâm lý học, giáo dục đặc biệt hoặc chuyên ngành khoa học xã hội khác theo quy định của pháp luật.
+ Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp mà thời điểm cấp giấy chứng nhận sức khỏe tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề không quá 12 tháng.
+ 02 ảnh màu 04 cm x 06 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội; trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải công bố, công khai danh sách người hành nghề công tác xã hội trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cấp chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/10/2024.
4. Quyết định 1117/QĐ-BGTVT năm 2024 công bố thủ tục hành chính mới, sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đăng kiểm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông vận tải
Theo đó, công bố kèm theo Quyết định này thủ tục hành chính được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đăng kiểm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông vận tải. Cụ thể:
Danh mục thủ tục hành chính được ban hành mới gồm: Cấp Giấy chứng nhận, Tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trong trường hợp còn hiệu lực nhưng bị mất, hư hỏng, rách hoặc có sự sai khác về thông tin.
Danh mục thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung gồm 01 Thủ tục hành chính do trung ương giải quyết là: Cấp, bổ sung ấn chỉ kiểm định; 01 Thủ tục hành chính do trung ương và địa phương giải quyết là: Cấp Giấy chứng nhận, Tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Nội dung cụ thể của từng TTHC được trình bày chi tiết trong Phụ lục Quyết định.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/10/2024.
5. Quyết định 1009/QĐ-BGTVT năm 2024 công bố thủ tục hành chính được bãi bỏ trong lĩnh vực đường bộ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông Vận tải
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải công bố 02 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đường bộ bị bãi bỏ, cụ thể là:
- Thủ tục công bố đưa trạm dừng nghỉ vào khai thác;
- Thủ tục công bố lại đưa trạm dừng nghỉ vào khai thác.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/10/2024
6. Quyết định 13/2024/QĐ-TTg về Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật)
Theo đó, danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024, bao gồm:
- Danh mục lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính tại Phụ lục I;
- Danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành công thương tại Phụ lục II;
- Danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành giao thông vận tải tại Phụ lục III;
- Danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành xây dựng tại Phụ lục IV;
- Danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành tài nguyên và môi trường tại Phụ lục V;
Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc các lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính được hướng dẫn như sau:
+ Các cơ sở phát thải khí nhà kính quy định tại Điều 1 Quyết định 13/2024/QĐ-TTg thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở theo hướng dẫn của các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường;
Nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính của cơ sở theo Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.
+ Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc có liên quan đôn đốc các cơ sở phát thải khí nhà kính trên địa bàn thuộc danh mục ban hành kèm theo Quyết định này thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định.
Cập nhật, điều chỉnh danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính trên địa bàn phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ quản lý lĩnh vực có liên quan theo quy định.
+ Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, cập nhật danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/10/2024
7. Thông tư 14/2024/TT-BCT quy định chế độ báo cáo định kỳ về cụm công nghiệp, cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp cả nước và một số mẫu văn bản về quản lý, phát triển cụm công nghiệp
Theo đó, chế độ báo cáo định kỳ về cụm công nghiệp được quy định cụ thể như sau:
- Đối tượng thực hiện chế độ báo cáo định kỳ:
+ Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là Sở Công Thương);
+ Ủy ban nhân dân cấp huyện;
+ Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp;
+ Các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp.
- Thời gian chốt số liệu báo cáo định kỳ:
+ Thời gian chốt số liệu báo cáo 6 tháng (đầu năm) được tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 6 của kỳ báo cáo;
+ Thời gian chốt số liệu báo cáo hằng năm được tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo.
- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ:
+ Định kỳ trước ngày 20 tháng 6 và trước ngày 20 tháng 12 hằng năm, các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư trong cụm công nghiệp trong 6 tháng và cả năm theo Biểu số 01 Phụ lục I kèm theo Thông tư 14/2024, gửi cơ quan thống kê cấp huyện, đồng thời gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện;
+ Định kỳ trước ngày 20 tháng 6 và trước ngày 20 tháng 12 hằng năm, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trong 6 tháng và cả năm theo Biểu số 02 Phụ lục I kèm theo Thông tư 14/2024, gửi cơ quan thống kê cấp huyện, đồng thời gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Công Thương;
+ Định kỳ trước ngày 25 tháng 6 và trước ngày 25 tháng 12 hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo tình hình cụm công nghiệp trên địa bàn trong 6 tháng và cả năm theo Biểu số 03 Phụ lục I kèm theo Thông tư 14/2024, gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Công Thương;
+ Định kỳ trước ngày 30 tháng 6 và trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, Sở Công Thương báo cáo tình hình cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh trong 6 tháng và cả năm theo Biểu số 04 Phụ lục I kèm theo Thông tư 14/2024, gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Công Thương (Cục Công Thương địa phương).
- Phương thức gửi, nhận báo cáo định kỳ:
+ Báo cáo định kỳ được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử, được gửi đến cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức sau: gửi trực tiếp, gửi qua dịch vụ bưu chính, gửi qua trục liên thông văn bản quốc gia, thư điện tử hoặc phương thức khác theo quy định của pháp luật.
+ Trường hợp Cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp cả nước đã được xây dựng và vận hành thì Sở Công Thương gửi báo cáo định kỳ tới Bộ Công Thương (Cục Công Thương địa phương) thông qua cập nhật dữ liệu, gửi báo cáo tại Cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp cả nước.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/10/2024.
8. Thông tư 08/2024/TT-BXD quy định đánh số và gắn biển số nhà, công trình xây dựng
Cụ thể, tại Điều 7 Thông tư 08/2024/TT-BXD nêu rõ, việc đánh số nhà trong ngõ, ngách được thực hiện theo quy định sau đây:
- Đánh số nhà trong ngõ:
+ Trường hợp ngõ chưa có tên riêng: Tên ngõ được đặt tên theo số nhà mặt đường, phố nằm kề ngay trước đầu ngõ (có số nhà nhỏ hơn).
+ Nguyên tắc đánh số áp dụng tương tự quy định tại khoản 1, 3, 4 và 5 Điều 6 Thông tư 08/2024/TT-BXD .
+ Chiều đánh số nhà trong ngõ: Trường hợp ngõ nối thông giữa 02 đường, phố và đã đặt tên thì lấy chiều từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố mà ngõ mang tên đến cuối ngõ.
Trường hợp ngõ nối thông giữa 02 đường, phố và chưa được đặt tên thì chiều đánh số nhà từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố có mặt cắt ngang lớn hơn đến cuối ngõ.
Trường hợp chỉ có một đầu thông ra đường, phố thì chiều đánh số nhà được thực hiện từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố đến nhà cuối ngõ.
- Đánh số nhà trong ngách:
+ Trường hợp ngách chưa có tên riêng: Tên ngách được đặt tên theo số nhà mặt ngõ nằm kề ngay trước đầu ngách (có số nhà nhỏ hơn).
+ Nguyên tắc đánh số áp dụng tương tự quy định tại khoản 1, 3, 4 và 5 Điều 6 Thông tư 08/2024/TT-BXD .
+ Chiều đánh số: Trường hợp ngách nối thông giữa hai ngõ và đã đặt tên thì lấy chiều từ nhà đầu ngách sát với ngõ mà ngách mang tên đên cuôi ngách. Trường hợp ngách nối thông giữa 02 đường và chưa được đặt tên thì chiều đánh số nhà từ nhà đầu ngách sát với đường có mặt cắt ngang lớn hơn đến cuối ngách. Trường hợp ngách chỉ có một đầu thông ra ngõ thì chiều đánh số nhà được thực hiện từ nhà đầu ngách sát với ngõ đến nhà cuối ngách.
Đối với các trường hợp nhà trong ngõ, ngách mà có tính chất đặc thù thì UBND cấp huyện sẽ quyết định việc đánh số.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/10/2024.
9. Thông tư 08/2024/TT-BTP hướng dẫn xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật
1. Nội dung xem xét, đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật như sau:
- Tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật đánh giá trên cơ sở những nội dung cơ bản:
+ Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy định chi tiết so với văn bản được quy định chi tiết;
+ Nội dung quy định chi tiết so với quy định của văn bản được quy chi tiết.
-Tính thống nhất, đồng bộ của văn bản quy định chi tiết được xem xét, đánh giá trên cơ sở những nội dung cơ bản:
+ Không có quy định trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên;
+ Không có quy định mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản quy phạm pháp luật khác;
+ Không có mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định trong văn bản quy định chi tiết.
- Tính khả thi của văn bản quy định chi tiết được xem xét, đánh giá trên cơ sở những nội dung cơ bản:
+ Không có quy định không phù hợp với thực tế dẫn đến không thực hiện được;
+ Không có quy định không rõ ràng, cụ thể dẫn đến không thực hiện được.
2. Nội dung xem xét, đánh giá tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật như sau:
- Việc xem xét, đánh giá tính kịp thời, đầy đủ, phù hợp và hiệu quả của hoạt động phổ biến pháp luật thực hiện theo quy định về đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Tính kịp thời, đầy đủ, phù hợp và hiệu quả của hoạt động tập huấn cho người làm công tác thi hành pháp luật được xem xét, đánh giá trên cơ sở những nội dung cơ bản:
+ Tổ chức tập huấn đúng thời gian theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Nội dung tập huấn theo đúng kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Số lượng người được tập huấn đầy đủ theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Tính phù hợp của tổ chức bộ máy, mức độ đáp ứng về nguồn nhân lực cho thi hành pháp luật được xem xét, đánh giá trên cơ sở những nội dung cơ bản:
+ Cơ cấu tổ chức của cơ quan, đơn vị phù hợp với văn bản, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Số lượng người làm việc thực tế đủ so với chỉ tiêu biên chế được giao;
+ Người làm việc đáp ứng tiêu chuẩn về vị trí việc làm theo quy định;...
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/10/2024
10. Thông tư 02/2024/TT-VKSTC quy định về công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Kiểm sát nhân dân
Cụ thể, 03 trường hợp không xét tặng Lao động tiên tiến cho cá nhân trong ngành Kiểm sát như sau:
(1) Mới tuyển dụng dưới 06 tháng (Thông tư 01/2019/TT-VKSTC có hiệu lực đến 30/9/2024 quy định là dưới 10 tháng);
(2) Có thời gian nghỉ công tác từ 03 tháng đến dưới 06 tháng trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư 02/2024/TT-VKSNDTC ;
(3) Bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên. Trường hợp hành vi vi phạm chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền nhưng đã được dùng làm căn cứ không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” trong năm đánh giá thì quyết định xử lý kỷ luật ban hành sau năm đánh giá đối với hành vi vi phạm đó (nếu có) không được tính để bình xét thi đua ở năm có quyết định xử lý kỷ luật.
Bên cạnh đó, Thông tư 02/2024/TT-VKSNDTC quy định thêm các trường hợp sau đây vẫn được xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” bao gồm:
- Cá nhân nghỉ chế độ thai sản;
- Cá nhân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân dẫn đến bị thương tích cần điều trị, điều dưỡng theo kết luận của cơ sở y tế cấp huyện hoặc tương đương trở lên thì thời gian điều trị, điều dưỡng được tính để bình xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”;
- Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 01 năm, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học tập được tính vào thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị để được bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”;
Trường hợp cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ 01 năm trở lên thì thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng được tính vào thời gian để bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định chung, trong thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng, cá nhân phải chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, hoàn thành nhiệm vụ học tập, đạt kết quả học tập từ loại khá trở lên (đối với các khóa đào tạo, bồi dưỡng có xếp loại trung bình, khá, giỏi...).
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/10/2024.
11. Thông tư 06/2024/TT-BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc
Ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc.
Số hiệu: QCVN 115: 2024/BGTVT.
Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về đường bộ cao tốc quy định các yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu quản lý trong đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì đường bộ cao tốc (trừ đường cao tốc đô thị).
Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về đường bộ cao tốc áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường bộ cao tốc.
- Đường bộ cao tốc là một cấp kỹ thuật của đường bộ, dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.
- Tốc độ thiết kế đường bộ cao tốc
Tốc độ thiết kế đường bộ cao tốc được phân làm 03 cấp như sau:
+ Cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120 km/h;
+ Cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100 km/h;
+ Cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80 km/h; đối với vị trí địa hình đặc biệt khó khăn, yếu tố quốc phòng an ninh khống chế, cho phép áp dụng tốc độ thiết kế 60 km/h.
Trên đường bộ cao tốc có thể có những đoạn áp dụng cấp khác nhau, nhưng đoạn này phải dài từ 15 km trở lên và tốc độ thiết kế của hai đoạn liên tiếp không được chênh nhau quá 20 km/h. Trường hợp đường bộ cao tốc áp dụng cấp tốc độ thiết kế quá một cấp (20 km/h), phải có một đoạn quá độ dài ít nhất 02 km có cấp tốc độ thiết kế trung gian.
Yêu cầu chung về kỹ thuật đường bộ cao tốc
- Kết cấu công trình đường bộ cao tốc phải bảo đảm ổn định, bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên.
- Đường bộ cao tốc có quy mô tối thiểu 04 làn xe chạy (02 làn xe cho mỗi chiều), có làn dừng xe khẩn cấp được bố trí liên tục (trừ các vị trí: qua cầu có khẩu độ nhịp từ 150,00 m trở lên; cầu có trụ cao từ 50,00 m trở lên; hầm; có bố trí làn tăng, giảm tốc; làn phụ leo dốc).
- Các công trình gắn với đường bộ cao tốc bao gồm: Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến; Trạm dừng nghỉ; Hệ thống thu phí điện tử không dừng đối với tuyến đường có thu phí; Trạm kiểm tra tải trọng xe; Hàng rào bảo vệ.
- Mặt cắt ngang đường bộ cao tốc có thể được bố trí trên cùng một nền đường hoặc hai chiều xe chạy được bố trí trên hai nền đường riêng biệt.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/10/2024.
12. Thông tư 07/2024/TT-BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
Ban hành Quy chuẩn về đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
Ban hành kèm theo Thông tư 07/2024/TT-BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Mã số đăng ký: QCVN 35:2024/BGTVT.
QCVN 35:2024/BGTVT quy định về thử nghiệm, kiểm tra chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với đèn chiếu sáng phía trước (sau đây được gọi chung là đèn) của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Theo đó, đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Đối với mẫu thử cần phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Mỗi kiểu loại đèn cần 03 mẫu thử để thử nghiệm, chứng nhận chất lượng kiểu loại trong đó:
+ 01 mẫu đèn hoàn chỉnh để thử nghiệm về kết cấu, đặc tính quang học, màu sắc ánh sáng và thử nghiệm theo Phụ lục R (nếu có);
+ 02 mẫu đèn hoàn chỉnh để thử nghiệm tính ổn định đặc tính quang học.
- Yêu cầu kỹ thuật về mẫu thử:
+ Đèn mới 100%, phải nguyên bản đúng theo thiết kế của cơ sở sản xuất, không được phép chỉnh sửa, thay đổi các bộ phận của đèn bao gồm cả bóng đèn.
+ Ánh sáng của đèn phát ra không được là màu đỏ, bao gồm cả các loại đèn khác được lắp trên cùng thân đèn chiếu sáng phía trước.
+ Phụ kiện kèm theo để đảm bảo đèn hoạt động ổn định, bao gồm cả đồ gá thử nghiệm đèn nếu cần thiết.
+ Nếu là đèn chiếu sáng phía trước thích ứng (AFS) hoặc đèn không thể kích hoạt chức năng sáng bằng nguồn điện thông thường thì phải bao gồm thiết bị cung cấp và vận hành và Bộ tạo tín hiệu (nếu có) quy định tại điểm 1.3.11, điểm 1.3.12 QCVN 35:2024/BGTVT.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2024
13. Thông tư 13/2024/TT-BYT về Danh mục dược liệu độc làm thuốc
Theo đó, ban hành các danh mục dược liệu độc làm thuốc, cụ thể gồm:
(1) Danh mục dược liệu độc nguồn gốc từ thực vật quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 13/2024/TT-BYT .
(2) Danh mục dược liệu độc nguồn gốc từ động vật quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 13/2024/TT-BYT .
(3) Danh mục dược liệu độc nguồn gốc từ khoáng vật quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 13/2024/TT-BYT .
Việc sử dụng danh mục dược liệu độc làm thuốc được quy định cụ thể tại Điều 4 Thông tư 13/2024/TT-BYT như sau:
- Danh mục dược liệu độc làm thuốc là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quy định về quản lý đối với dược liệu độc trong kinh doanh, đăng ký, ghi nhãn, kê đơn, cấp phát, chế biến, bảo quản, sử dụng, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và các hoạt động khác có liên quan.
- Dược liệu được đánh dấu (*) tại các Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 13/2024/TT-BYT phải được chế biến theo đúng phương pháp chế biến quy định tại Thông tư 30/2017/TT-BYT hoặc Dược điển Việt Nam hoặc Dược điển các nước trên thế giới.
- Dược liệu được đánh dấu (**) khi sử dụng với mục đích dùng ngoài thì không bắt buộc thực hiện theo phương pháp chế biến quy định tại Thông tư 30/2017/TT-BYT .
Tiêu chí lựa chọn dược liệu vào Danh mục dược liệu độc làm thuốc
Căn cứ khoản 2 Điều 2 Thông tư 13/2024/TT-BYT quy định dược liệu được xem xét lựa chọn đưa vào Danh mục dược liệu độc làm thuốc khi đáp ứng 01 trong các tiêu chí sau:
(1) Dược liệu có chuyên luận trong Dược điển Việt Nam hoặc Dược điển các nước trên thế giới, trong đó có thông tin dược liệu có độc, đại độc (trừ trường hợp ghi ít độc);
(2) Dược liệu có độc tính cao gây ảnh đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng;
(3) Dược liệu trong quá trình sử dụng gây ra phản ứng có hại nghiêm trọng đã được biết hoặc được Tổ chức Y tế Thế giới, cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan quản lý có thẩm quyền của nước ngoài khuyến cáo.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2024
14. Thông tư 03/2024/TT-BKHCN sửa đổi Thông tư 23/2013/TT-BKHCN quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 07/2019/TT-BKHCN
Theo đó, một số phương tiện đo quy định tại Thông tư 03/2024/TT-BKHCN có thể kể đến như sau:
- Phương tiện đo độ dài, gồm:
+ Thước cuộn;
+ Phương tiện đo khoảng cách quang điện: Có chu kỳ kiểm định là 12 tháng;
+ Phương tiện đo độ sâu đáy nước: Có chu kỳ kiểm định là 12 tháng;
+ Phương tiện đo độ sâu công trình ngầm: Có chu kỳ kiểm định là 24 tháng;
- Taximet: Có chu kỳ kiểm định là 18 tháng;
- Phương tiện đo kiểm tra tốc độ phương tiện giao thông: Có chu kỳ kiểm định là 24 tháng;
- Phương tiện đo thủy chuẩn: Có chu kỳ kiểm định là 12 tháng;
- Toàn đạc điện tử: Có chu kỳ kiểm định là 12 tháng;
- Cân phân tích: Có chu kỳ kiểm định là 12 tháng;
- Cân kỹ thuật: Có chu kỳ kiểm định là 12 tháng;
- Cân thông dụng, gồm:
+ Cân đồng hồ lò xo: Có chu kỳ kiểm định là 24 tháng;
+ Cân bàn; cân đĩa; cân treo dọc thép-lá đề: Có chu kỳ kiểm định là 12 tháng;
- Cân treo móc cẩu: Có chu kỳ kiểm định là 12 tháng;
- Cân ô tô: Có chu kỳ kiểm định là 12 tháng;
- Cân ô tô chuyên dùng kiểm tra tải trọng xe cơ giới: Có chu kỳ kiểm định là 24 tháng;
- Cân tàu hỏa tĩnh: Có chu kỳ kiểm định là 12 tháng;
- Cân tàu hỏa động: Có chu kỳ kiểm định là 24 tháng.
Trong đó, Thông tư 03/2024/TT-BKHCN đã bổ sung thêm phương tiện đo là Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện vào trong Danh mục phương tiện đo, biện pháp kiểm soát về đo lường và chu kỳ kiểm định phương tiện đo, cụ thể:
+ Thiết bị đo điện năng xoay chiều sạc pin xe đạp điện, xe máy điện: Có chu kỳ kiểm định là 60 tháng;
+ Thiết bị đo điện năng xoay chiều sạc pin xe ô tô điện: Có chu kỳ kiểm định là 36 tháng;
+ Thiết bị đo điện năng một chiều sạc pin xe ô tô điện: Có chu kỳ kiểm định là 36 tháng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2024
15. Thông tư 30/2024/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP
Cụ thể quy định về cấp phát ấn chỉ kiểm định xe cơ giới áp dụng từ ngày 01/10/2024 như sau:
- Đơn vị đăng kiểm đề nghị cung cấp ấn chỉ kiểm định trên Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Giao thông vận tải theo mẫu quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư 30/2024/TT-BGTVT từ ngày 15 đến ngày 20 của tháng cuối mỗi quý.
- Cục Đăng kiểm Việt Nam căn cứ vào nhu cầu, năng lực kiểm định của các đơn vị đăng kiểm để gửi ấn chỉ kiểm định qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc cấp trực tiếp cho đơn vị đăng kiểm. Thời gian thực hiện từ ngày 23 đến ngày 30 của tháng cuối mỗi quý.
- Trường hợp đề nghị cấp bổ sung, đơn vị đăng kiểm đề nghị cung cấp ấn chỉ kiểm định bổ sung trên Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Giao thông vận tải theo mẫu quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư 30/2024/TT-BGTVT .
Cục Đăng kiểm Việt Nam gửi ấn chỉ kiểm định qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc cấp trực tiếp cho đơn vị đăng kiểm trong 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị cung cấp ấn chỉ kiểm định bổ sung.
Theo đó, từ ngày 01/10/2024 đơn vị đăng kiểm có thể đề nghị cung cấp ấn chỉ kiểm định trên Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Giao thông vận tải thay vì lập và gửi phiếu đề nghị trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua thư điện tử theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT .
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2024